KẾT QUẢ KHẢO SÁT CỦA VCCI VÀ CÁC GIẢI PHÁP 08/04/2020   1280

Vừa qua VCCI đã triển khai việc “KHẢO SÁT Ý KIẾN DOANH NGHIỆP VỀ TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH BỆNH VÀ CÁC VẤN ĐỀ VỀ LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM” vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, thì tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là rất nghiêm trọng.

Kết quả khảo sát như sau :
- Gần 85% DN bị thu hẹp thị trường tiêu thụ.
- Gần 60% DN bị thiếu vốn và bị đứt dòng tiền cho kinh doanh.
- Trên 40% DN bị thiếu nguồn cung nguyên liệu.
- 73% DN đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng.
- Trên 60% DN đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động.
- 46% DN không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm.
- 42% DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tạo lại nhân lực.
- 41% DN tổ chức làm việc tại nhà.
- 20% DN buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động.
- 21% DN phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.
Đó là những ứng xử linh hoạt đầy trách nhiệm. Dù vậy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài, không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với DN còn chất chồng trước mắt.
Cần trợ lực trước mắt và giải pháp lâu dài

Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các hiệp hội Doanh nhân và Doanh nghiệp, ngoài các giải pháp đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai, ngày 6/4, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã lại gửi công văn tiếp tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ DN mới. Cụ thể như sau :
- Cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Điều đó giúp DN có thể tự cứu mình, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bớt đi gánh nặng trợ cấp của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn rất eo hẹp như hiện nay.
- Cần bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa dịch vụ này phục vụ đời sống nhân dân, ngay cả trong trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách ly, phong tỏa.
- Về chính sách tài khóa, cần đề nghị cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, BHXH, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể, vì quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng của các bộ, ngành còn chậm, DN có thể ngừng hoạt động, phá sản trước khi cơ chế, chính sách được áp dụng. Các chính sách này cần được áp dụng với hệ thống các ngân hàng thương mại, vì các ngân hàng thương mại cũng là DN.
- Về chính sách tín dụng, ngoài các giải pháp hiện hành như tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí… DN đề nghị có mức giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau.
- Về chính sách lao động, tiền lương, công đoàn, cần tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020. Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% trước mắt cho năm 2020. Cần sử dụng quỹ kết dư Quỹ BHXH để hỗ trợ cho DN trả lương cho người lao động khi người lao động phải nghỉ việc vì thiếu việc làm và sử dụng quỹ kết dư này cùng với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho DN vay với lãi suất 0% để hỗ trợ DN trả lương cho người lao động.

Các cơ chế hỗ trợ cần có hướng dẫn cụ thể, tạo thuận lợi cho người thụ hưởng.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh “Cần giải pháp nâng cao năng lực của DN, đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để họ có thể trụ vững trong thời kỳ COVID-19 và vươn lên trong thời kỳ hậu COVID-19, đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Và nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách đồng bộ về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực làm bệ đỡ cho DN lớn lên sẽ là yêu cầu quan trọng nhất, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng DN ở tương lai”.

(Trích nguồn chinhphu.vn)