Thúc đẩy ngành du lịch “xứ trầm, biển yến” bứt phá - Bài 1: Nhiều tiềm năng chờ khai phá 12/01/2024   1075

Ngành du lịch có nhiều khởi sắc

Khánh Hòa là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển với chiều dài bờ biển tính theo mép nước khoảng 385km, gần 200 đảo lớn, nhỏ và 3 vịnh đẹp nổi tiếng (Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh). Không chỉ sở hữu nhiều cảnh đẹp cùng khí hậu ôn hòa, ấm áp quanh năm, Khánh Hòa còn có những công trình văn hóa, kiến trúc độc đáo như: Tháp Bà Ponagar, thành cổ Diên Khánh, nhà hát Đó... và nhiều lễ hội dân gian đặc sắc. 

Với thế mạnh về thiên nhiên cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp, du lịch Khánh Hòa có sự hồi phục và bứt phá mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Các công ty lữ hành quan tâm chỉnh trang, đầu tư, đưa ra các sản phẩm mới, những gói du lịch với giá thành phù hợp thu hút du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch Khánh Hòa đóng góp tích cực cho nền kinh tế của tỉnh, là một trong những yếu tố quan trọng giúp địa phương có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ấn tượng, xếp thứ 5 cả nước, đạt 9,17% trong 9 tháng năm 2023.

Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đón hơn 4 triệu lượt khách trong năm 2023; trong đó có 2,5 triệu lượt khách nội địa và 1,5 triệu lượt khách quốc tế; hướng tới doanh thu du lịch đạt 21.000 tỷ đồng. Đến nay, sau 11 tháng năm 2023, các chỉ tiêu du lịch đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngành du lịch tính chung 11 tháng năm 2023 ước đạt 30.800 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách lưu trú đạt 6,48 triệu lượt, tăng 168,4% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế đạt 1,86 triệu lượt, khách nội địa đạt 4,62 triệu lượt. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường quốc tế hàng đầu, chiếm 60% tổng lượng khách quốc tế của Khánh Hòa, tiếp đến là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Australia, Thái Lan, Malaysia.

Trở lại thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam, trong 9 tháng năm 2019, Khánh Hòa đón 5,63 triệu lượt khách lưu trú, trong đó khách quốc tế đạt 2,8 triệu lượt, khách nội địa đạt 2,83 triệu lượt. Nhìn vào các số liệu thống kê, có thể nhận thấy dù lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa thời điểm hiện tại chỉ bằng hơn một nửa so với 9 tháng năm 2019, tuy nhiên, lượng khách du lịch trong nước đến Khánh Hòa lại tăng đáng kể. Điều đó cho thấy, nếu tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, Khánh Hòa có thể thu hút đông đảo lượng khách du lịch nội địa do có ưu thế về di chuyển và thủ tục pháp lý so với khách quốc tế, đem lại doanh thu lớn cho kinh tế địa phương.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh: Đầu năm 2023, ngành du lịch Khánh Hòa đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp, tổ chức nhiều chương trình kích cầu du lịch thông qua các hoạt động, sự kiện tập trung để tăng tính nhận diện thương hiệu, tạo dấu ấn về du lịch Khánh Hòa, kết hợp đồng bộ với truyền thông, quảng bá, lan tỏa hình ảnh du lịch địa phương đến với thị trường trong nước và quốc tế, thu hút lượng lớn du khách đến với thành phố biển. Điển hình là các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế đã diễn ra thành công như Festival biển Nha Trang-Khánh Hòa 2023 với màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật đẳng cấp khu vực Đông Nam Á; Đêm đại nhạc hội 8Wonder với sự góp mặt của các ngôi sao hạng A thế giới, cùng nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam; Giải Marathon Marvelous Nha Trang 2023; liên hoan phim, chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh; tổ chức chương trình quảng bá du lịch Khánh Hòa tại Australia và Trung Quốc.  

Chưa đa dạng loại hình dịch vụ

Tuy đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua, nhưng ngành du lịch Khánh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang-Khánh Hòa: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều phòng lưu trú chưa được lấp đầy; nhiều cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ vẫn đóng cửa. Nguyên nhân bởi sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã yếu đi đáng kể do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Lượng khách du lịch nội địa cơ bản ổn định, phát triển, nhưng khách quốc tế còn hạn chế, một phần do những bất ổn chính trị tại một số khu vực trên thế giới. Ông Phạm Minh Nhựt nhận định, nếu muốn lấp đầy số phòng lưu trú, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa phải duy trì đón từ 5 đến 10 triệu khách/năm. 

Đánh giá về những khó khăn còn tồn tại trong hoạt động du lịch tại Khánh Hòa, ông Lê Xuân Thơm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng nhận xét: Thời điểm trước đại dịch Covid-19, du lịch Khánh Hòa đã phát triển tốt nhưng chưa có sự chủ động trong việc đa dạng thị trường khách du lịch, tập trung chủ yếu vào nguồn khách du lịch từ Nga và Trung Quốc, dẫn đến khi hai nguồn du khách này bị giảm thì hầu như các công ty lữ hành, khách sạn và các dịch vụ đi kèm khác đều gặp khó khăn. Mặt khác, việc đầu tư du lịch mất kiểm soát dẫn đến hiện tượng cung vượt cầu về phòng lưu trú, đây là nguyên nhân khiến lượng phòng khách sạn còn trống rất nhiều.

Khánh Hòa tuy có nhiều lợi thế về thiên nhiên để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển nhưng sự đa dạng loại hình du lịch, dịch vụ chưa cao, chưa tận dụng được hết các lợi thế về thiên nhiên cũng như chính sách xã hội để nâng tầm du lịch của tỉnh. 

Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế-xã hội đã dẫn đến sự thay đổi về thị hiếu du lịch của du khách. Vì vậy, nếu ngành du lịch Khánh Hòa vẫn chỉ duy trì các phương pháp kinh doanh truyền thống, không có tư duy sáng tạo, nghiên cứu, phát triển đa dạng loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu chính đáng của xã hội thì sẽ bị lạc hậu so với thế giới, dẫn đến giảm sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

 
>